Quyển 2 Hồi thứ 9 THUẬT GIẢ GIANG HỒ

Quí Mùi, /Long Phù/ năm thứ 3 [1103], (Tống Sùng Ninh năm thứ 2). Mùa Đông, tháng 10, người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản. Giác trước học được thuật lạ, có thể biến cây cỏ làm người, bèn ê tập những kẻ vô lại chiếm cứ châu ấy, đắp thành làm loạn. Việc tâu lên, vua sai … Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp yên.[1]

15.25 22.09.2015

Thời Lý, kinh thành từ Hoa Lư dời về thành Đại La, khi vua thấy con rồng vàng hiện lên thì đổi thành Thăng Long. Trải qua hơn trăm năm, Thăng Long trở thành nơi phồn hoa, sầm uất với cấu trúc trong thành ngoài thị, nghĩa là bao bọc bên ngoài thành là nơi tập trung buôn bán làm thương nghiệp, thủ công. Những nơi đông đúc như thế, người ta thường bày ra lắm trò mua vui. Cũng vì thế mà những người lấy tiếng cười của kẻ khác làm miếng cơm cũng tụ lại nơi đây không ít.

Trong số ấy, phổ biến có các đào nương[2], kỹ nữ[3], người múa rối nước[4], võ sư bán dạo… Ngoài ra, còn có một số ít các thuật giả giang hồ. Diễn nôm ra thì đó là những người kể chuyện. Đây thực ra là những người có khiếu ăn nói, thu thập các câu chuyện trong sử sách hoặc trong dân gian, đem kể lại nơi chợ búa, quán xá. Những người như thế này thường là những người nghèo khổ, cùng đinh, dựa vào tính hiếu sự của thiên hạ mà kiếm bát cơm manh áo. Sau này, khi nhà Minh xâm lược Đại Việt thì cho đốt hết kinh sách bao đời tích tụ trong hoàng cung cũng như dân gian, khiến cho sau này con cháu xem lại sử sách thì nhiều chỗ bị khuyết thiếu không sao tìm hiểu được thực hư, âu cũng là điều đau lòng của dân tộc. Sử sách ghi chép về số người đem chuyện đổi lấy cơm ăn như thế không nhiều[5]. Có điều, khi sử sách khuyết thiếu thì vô số các câu chuyện liên quan đến biến động của dân tộc, hoặc các chuyện hoang đường khác được lưu truyền rộng rãi trong dân gian thông qua những người kể chuyện như thế. Tuy rằng phần nhiều trong số đó là sự lẫn lộn giữa thực và hư hoặc chỉ có hư với hư, nhưng nhiều chi tiết rất quan trọng trong việc xác định nguồn gốc cũng như các biến cố của dân tộc. Công lao của những người kể chuyện dạo trong việc gìn giữ sử miệng thiết nghĩ không phải là không có.

Ngày ấy ở làng Hồ Khẩu mé tây bắc kinh sư có một gã tên là Phan Cuồng. Không rõ thật giả ra sao, chỉ biết mẹ Cuồng kể lại rằng đời ông cha hắn đều là quan lại, về sau dần dần mai một, cuối cùng gia cảnh chỉ vừa đủ ăn. Làng Hồ Xá nằm sát sông Tô Lịch, lại gần đền thờ trống đồng[6] vốn có nghề làm giấy. Cuồng vốn từ bé đã mồ côi cha, mẹ Cuồng lam lũ làm thuê cho xưởng giấy trong làng mà nuôi hắn cùng chị gái khôn lớn, dù không thể bằng chị bằng em, nhưng cũng được ăn cá khô cơm nguội, không đến nỗi phải cạp lá ngoài đường[7].

Phan Cuồng vốn là kẻ thích ăn chơi đàn đúm, thích túm năm tụm ba mà kể, mà nghe chuyện phiếm. Hắn lại có tật từ bé đã rất sợ ma nhát quỷ. Có điều lẽ đời vốn dĩ ai càng sợ ma thì lại càng ham nghe kể chuyện ma. Vậy nên từ năm bảy tuổi hắn đã nhằng nhẵng bám lấy những người già trong làng đòi nghe chuyện ma, mỗi lần được nghe một chuyện thì lấy làm thích thú lắm, nhẩm đi nhẩm lại trong đầu cho đến kỳ thuộc thì thôi.

Đến khi lớn thêm vài tuổi, Cuồng đã thuộc hết các chuyện kỳ dị trong làng, hắn lại lân la lên bến đò nghe kể chuyện. Những chỗ như thế vốn dĩ không còn là nơi chôn rau cắt rốn của hắn nữa, không phải ai cũng mở lòng đem kể chuyện mình cho hắn nghe. Cuồng vốn láu cá, hắn không chờ người ta kể cho mình nghe, mà đem chuyện của mình ra kể cho thiên hạ trước, sau đó rào đón để người ta kể chuyện cho mình, giống như việc trao đổi buôn bán vậy. Dần dà, hắn nhận ra mình rất có hứng thú với việc kể chuyện, về sau không đợi người ta có chuyện để trao đổi với mình hay không, cứ có dịp là hắn lại kể chuyện kỳ dị.

Con người ta, phàm là những chuyện không hiểu rõ thì lại rất tò mò, người thường ít khi thấy ma tận mắt, tuy sợ nhưng lại rất muốn nghe, nay lại có kẻ rảnh rỗi đem chuyện ra kể thì tất nhiên là thích thú. Dần dần, cứ thấy Cuồng là người ta đòi hắn kể chuyện. Cuồng vốn tính ưa náo nhiệt, cho nên rất hay ngồi lê ngoài chợ. Cứ kể chuyện ở những nơi đông người suốt, cuối cùng cũng có ngày hắn được người ta cho tiền.

Phan Cuồng vốn là người xấu xí, thấp bé, vừa đen vừa rỗ, khi nói lại có tật phun nước bọt như mưa phùn đầu xuân, theo lẽ thường thì nói chuyện với người khác sẽ gây cho người ta không ít khó chịu. Tuy thế, hắn nhát gan mà lại lấy việc kể chuyện ma làm vui, cho nên giọng kể của hắn lên xuống, trầm bổng rất nhịp nhàng với cảm giác của người nghe, đơn giản là vì khi hắn kể thì chính hắn cũng đang sợ. Giọng Cuồng khàn như vịt đực, dùng để ca hát thì dở nhưng để kể chuyện ma thì rất phù hợp. Hắn lại có tật hay thêm thắt, thổi phồng sự việc miễn sao câu chuyện trở nên hấp dẫn cho nên ban đầu hắn chỉ kể lại những điều nghe được, về sau, hắn kể cả chuyện tưởng tượng ra.

Chợ Bưởi[8] vốn gần sông[9], gần nhiều làng đông dân[10], sát ngay kinh thành, lại họp liền phiên[11], cho nên đông và sầm uất lắm. Chợ này lại ngay gần nhà Cuồng, cho nên hắn rất thường lui tới đây ngồi lê kể chuyện.

Đó là vào một mùa đông, nhằm vào ngày mười bốn tháng chạp, chợ Bưởi bắt đầu họp thông đến tết. Dù khi ấy gần tối, chợ đã vãn nhưng còn khá nhiều người bán hàng tết dựng lều nơi đây, vừa trông hàng vừa để mai tranh thủ bán sớm, số khác thì chờ đến rạng sáng vớt bưởi từ thượng nguồn chảy về[12], có nhiều nhà gần đấy mang cả củi lửa lên luộc bánh chưng đem bán, hoặc có người lên đây chơi chỉ vì không khí nhộn nhịp nơi này. Đời vua Lý Nhân Tông, Đại Việt đã vào giai đoạn ổn định, tuy không thể ví được với cái hào hùng thủa mới lập nghiệp của nhà Lý nhưng khi ấy ra đường không lo trộm cướp, dân tình yên vúi, thái bình.

Kể chuyện kỳ quái, thích hợp nhất chính là cái lúc tối tăm thế này. Người ta đốt lửa lớn giữa chợ sưởi chung, mua một bắp ngô nướng từ dưới bãi sông Nhị Hà lên. Vị ngô không quá non để mất cái vỏ dẻo bên ngoài, cũng không quá già để mất thứ sữa ngọt bên trong. Khi người nghe đang cuộn mình trong lớp áo lạnh giữa cái giá rét của gió mùa đông bắc, ăn thứ ngô nóng rẫy, cháy xém, tuy bình dân mà hảo hạng ấy, chính là lúc kiếm ăn của Cuồng.

Hôm ấy Cuồng kể về Giáp Cước biến. Chuyện này người trong ngoài kinh thành đều biết đến đoạn có trận cuồng phong, còn chuyện trong cung thì không mấy ai biết. Chỉ có kẻ hiếu sự như Phan Cuồng mới khổ công tìm hiểu, cuối cùng cũng biết được đại khái. Đương nhiên hắn cũng cố gắng thêm thắt chút ít.

Kể đến đoạn nhà vua thấy hoàng tử ngay chân giường mình, Cuồng châm điếu, rít một hơi dài thuốc lào, làm một ngụm trà xanh rồi mới thủng thẳng:

– … Hoàng tử nghe vua hét gọi quân lính mà bình thản như không có chuyện gì, tiến lại gần giường vua, giơ ngửa hai nắm tay trước mặt mình, cười.

Khi ấy thiên tử binh xô cửa xông vào.

Hoàng tử vẫn coi như chỉ có hai người trong cung, cười nói:

– Phụ hoàng, con với người cùng chơi trò “tàng câu[13]” nhé? Lần này con phải đặt lớn một chút mới thú.

Lúc này mấy người lính hộ vệ đang lao tới.

Vua thấy hoàng tử giơ hai nắm tay trước mặt mình, lời nói có điểm không bình thường, hai bàn tay hoàng tử nắm chặt, một phần ngón tay vua vẫn còn thò ra ngoài, máu vẫn đẫm trên tay thì không thể không đề phòng mình bị ám toán, ngài vội nhịn đau, dùng sức đẩy hoàng tử ra xa.

Hoàng tử bị vua xô mạnh, lảo đảo ngã ra phía sau, đám thiên tử binh thuận thế mà chụp lấy. Chỉ trong chốc lát, hoàng tử bị bốn tên lính to lớn giữ chặt.

Hoàng tử chẳng coi đám lính kia vào đâu, vẫn cười. Đoạn, hoàng tử từ từ mở bàn tay hữu ra. Bàn tay trống không. Vua nhận ra lúc ngài vừa đẩy hoàng tử, hai tay ngài chính là chạm vào bàn tay bên hữu này. Vô tình, ngài giống như đã đoán vật ở trong tay ấy.

Hoàng tử cười sung sướng nói:

– Phụ hoàng à, người đoán sai rồi!

Đám thiên tử binh vội đưa hoàng tử ra ngoài, nhốt vào ngục. Nhà vua vừa đau, vừa kinh sợ, suốt ba ngày sau, ngài sốt mê man. Khi vua tỉnh lại, ngài mới hay hoàng tử đã đào ngục, trốn thoát ngay trong đêm ấy.

Kể đến đây, Phan Cuồng ngừng một chút, chờ xem phản ứng của người nghe, thấy chừng có mấy người chưa sợ hãi lắm, hắn tự nhủ:

– Chắc là cần thêm tý mắm muối!

Nghĩ thế, Phan Cuồng hỏi:

– Mọi người có biết người ta tìm thấy tên lính cai ngục như thế nào không?

Một người trong đám đông đáp, giọng tỉnh bơ:

– Chắc là chết rồi?

Phan Cuồng thấy người hỏi có vẻ chẳng sợ sệt gì lắm, trong lòng nghĩ:

– Đương nhiên là phải chết rồi, chuyện ma cơ mà?

Nhưng hắn vốn kể chuyện nhiều, biết là nếu chỉ nói tên lính kia chết thì hồi kết thiếu sức liêu trai. Trong đầu hắn lập tức xoay chuyển, trả lời người kia:

– Chết thì đúng là chết rồi, nhưng mà chết thế nào kìa.

Đa số đám đông nghe xong chuyện Giáp Cước biến đều đã thỏa mãn, tưởng chuyện đã hết, nào ngờ vẫn còn chi tiết cuối cùng, ai cũng hào hứng muốn xem tên lính kia chết thế nào.

Nghĩa là, “Ai cũng hào hứng muốn nghe xem tên lính kia chết thế nào”.

Thực ra chuyện này Phan Cuồng nghe được từ một gã lính canh ngục trong lúc cả hai đang chè chén. Tên lính canh chỉ kể đến đoạn hoàng tử bị bắt giam và trốn mất. Bây giờ thấy có người cứ hỏi khiến Phan Cuồng vừa tức bụng vì không dọa được người kia vừa muốn có cái kết thảm một chút cho nên hắn nói liều:

– Sau hôm hoàng tử trốn mất, tên lính trực tiếp bắt trói người bị treo cổ ở Cửa Đông, tư thế rất kỳ dị.

Mọi người chờ đợi. Phan Cuồng kể chuyện đã quen, biết đây là lúc cần nâng điếu cày lên. Mặc cho mọi người chờ đợi, hắn rít một hơi dài, phả một làn khói xanh rồi mới chậm rãi tiếp:

– Hai tên này buộc dính với nhau thành hình chữ thập, tay trái tên này thọc sâu vào lỗ đ…t tên kia, tay phải tên này luồn sâu vào trong cuống họng tên kia.

Rồi lại ngưng một lúc, rồi lại tiếp:

– Hai tên được buộc với nhau bằng ruột của chúng.

Mọi người đều nhăn mũi kinh tởm.

– Phía dưới đất còn có hai quả tim của hai tên lính. mỗi quả bị gặm một miếng. Máu còn loang thành vũng, về sau cọ thế nào cũng không sạch, ai đi qua vô tình dẫm phải đều bị ốm liệt giường.

***

Ngày hai mươi ba tháng chạp năm ấy, vẫn bên bếp lửa chợ, mọi người lại gọi Cuồng ra kể chuyện. Hắn hỏi:

– Mọi người muốn nghe chuyện gì?

Có người lại nói:

– Hay kể chuyện xưa bên Tàu đi.

Lại có người can:

– Hôm qua vừa kể chuyện Đát Kỷ hồ ly hại trụ vương rồi còn gì.

Lại có người nói:

– Hay kể chuyện bọn yêu giáo[14] trấn yểm Thăng Long?

Người khác lại gạt đi:

– Chuyện đó nghe mãi rồi còn gì.

Cứ như thế, tranh đi cái lại, rốt cục đám đông vẫn chưa biết nên nghe chuyện gì. Phan Cuồng thấy cho mọi người bàn bạc chán vẫn chưa rõ chủ ý thì nói:

– Mọi người cứ nói đi nói lại như vậy, chi bằng để tôi kể một chuyện liên quan đến Đát Kỷ, lại liên quan đến cả yêu giáo.

Mọi người thấy hắn nói thế thì chờ nghe. Phan Cuồng ho nhẹ mấy tiếng lấy đà rồi kể:

– Ngày xưa, vì Đát Kỷ mà Trụ vương tiêu tan cơ đồ. Người ta nói ả bị hồ ly tinh nhập xác. Ả dựng bào lạc hại người, chắc mọi người đều biết đó là một cái trụ đồng rỗng ruột nhồi than nung nóng. Ai mắc tội sẽ bị lột trần mà trói vào đó, da thịt chín mà người vẫn còn sống.

– Con người này, không rõ có phải là do yêu quái nhập vào hay không, nhưng rất độc ác, tàn bạo. Ả bắt Tỷ Can phải tự moi tim, chặt chân người già để xem tủy, muốn đoán thai nhi mà mổ bụng sản phụ. Tóm lại là không việc ác gì là ả không làm. Về sau, khi đến đài Tây Kỳ, ả được phong làm sao Tham Lang, xung quanh cửa điện có một bầy sói dữ canh giữ[15].

– Thực ra, nếu nói về bản lĩnh hành hạ người thì ả được xếp vào hàng sư tổ. Khi sinh thời, Đát Kỷ có ghi chép tỷ mỉ lại các phương thức tra tấn người khác trong một bộ sách, sách này ban đầu được ả gọi là “Hành nhục thư”, về sau được Trụ Vương đặt tên là “Đát Kỷ Kinh”. Khi nhà Thương mất vào tay Tây Bá Cơ Xương, nhà Chu khởi phát, bộ sách này bị thất lạc.

– Tương truyền trong “Đát Kỷ Kinh” có ghi rất tỷ mỉ các loại nhục hình. Tỷ như “mộc lư”, “trư nhân”, “trúc hình”, tùng xẻo, ném vạc dầu… đều được ghi trong cuốn kinh này.

Một người ở dưới hỏi:

– “Mộc lư” là gì?

Phan Cuồng hơi dừng lại rồi đáp:

– Ờ, cái này chỉ nên nói với cánh đàn ông với nhau thì hơn.

Một bà sồn sồn ở dưới nói lớn:

– Chúng tôi đâu phải thiếu nữ e ấp, chú em cứ kể ra đi.

Bà thím này vừa nói dứt lời, lập tức có tiếng mấy bà mấy cô nhao nhao đồng tình. Hào khí nữ nhi xung đến tận thiên. Đương nhiên, mấy chuyện liên quan đến nhục dục, nam và nữ đều thích nghe như nhau, người ta e ngại chẳng qua là do sợ mất thể diện.

Phan Cuồng thấy thế, lại đang hăng đà kể, bèn nói:

– Mộc lư là hình phạt bắt nữ nhân phải khỏa thân ngồi trên lưng ngựa. Ngựa ấy có một cái yên gỗ, trên yên có gắn một cái của quý bằng gỗ. Nó sẽ đâm xuyên vào chỗ ấy của các vị – Phan Cuồng hướng mắt về phía bà thím sồn sồn – rồi người ta thúc ngựa diễu quanh phố[16].

Phan Cuồng chờ cơn kinh tởm của mọi người lên cao rồi mới tiếp:

– Trư nhân là hình phạt mà Lã Hậu[17] dùng với Thích phu nhân, đại khái là chặt tay, chặt chân, móc mắt, làm cho người ta câm điếc, sống dở chết dở rồi đem vứt xuống chuồng xí, con người ấy bị ví như con lợn nuôi trong chuồng, vậy nên mới có tên là Trư nhân. Hình phạt này đáng sợ đến mức khi con trai Lã Hậu khi nhìn thấy Người lợn, lúc về nhà sợ đến mức ốm liệt giường.

Phan Cuồng lại tiếp:

– Trúc hình là hình phạt trói tay trói chân phạm nhân vào một bụi tre, ở dưới có nhiều búp măng non. Khi măng lớn dần lên thành tre thì cũng dần đâm nát cơ thể phạm nhân. Nhục hình này kéo dài hàng tháng trời, khiến cho người chịu phải đau đớn mòn mỏi.

Phan Cuồng kể một lèo hơn ba mươi sáu kiểu loại tra tấn khác nhau được ghi trong “Đắc Kỷ Kinh”, được gọi là “đệ ngũ nhục hình pháp”, mất hơn một canh giờ mới tạm vãn. Đến đây, hắn mới nói:

– Về sau bộ kinh này không biết vì sao mà được truyền ra ngoài, trở thành công cụ đáng sợ cho lính cai ngục hoặc những quan binh phải làm việc tra tấn phạm nhân. Đát Kỷ vốn là do Hồ Ly Tinh nhập vào thân xác người phàm, cho nên nhìn bề ngoài, cuốn kinh này dường như chỉ chép lại cách thức tra khảo người khác. Thực ra bên trong còn có liên quan đến việc tu luyện của giống yêu quái.

– Sau khi Đát Kỷ viết cuốn “Đắc Kỷ Kinh”, ả còn dày công viết thêm phần chú thích rất tỷ mỉ, cặn kẽ, được tập hợp lại trong bộ “Đát Kỷ Kinh Chú”. Bộ sách này giải thích công hiệu của từng loại nhục hình đối với phương pháp tu tập của yêu quái. Cuốn “Đát Kỷ Kinh” vốn chỉ có năm vạn chữ, sau khi ả bổ sung phần chú thì lên đến bảy mươi mấy vạn chữ. Có điều “Đát Kỷ Kinh” đã hiếm gặp trong dân gian, bộ “Đát Kỷ Kinh Chú” thì lại càng khó tìm thấy.

– Về sau, vợ của Trương Duy[18], một giáo chúng của “Ngũ đấu mễ đạo[19]” có được cuốn “Đát Kỷ Kinh Chú” này mới cùng với chồng tu tập theo. Thị vốn thông minh, lĩnh ngộ rất nhanh, nhưng Trương Duy thì trái lại, y học vấn thô lậu, đầu óc khó thông. Vợ Trương Duy muốn giúp chồng cùng luyện với mình, bèn viết phần sớ cho cuốn sách này, chính là cuốn “Đát Kỷ Kinh Chú Sớ” dài hơn ba triệu chữ.

– Về sau, Trương Duy khởi xướng ra con đường tu tập ma đạo thực ra là dựa vào cuốn “Đát Kỷ Kinh Chú Sớ”. Phương pháp tu tập ấy gọi là “ác hành lộ”. “Đát Kỷ Kinh Chú Sớ” trở thành báu vật trấn giáo của yêu giáo. Đát Kỷ cùng với Bạch Cốt phu nhân chính là hai trong số ba hộ thần của yêu giáo. Trong tranh thờ của yêu giáo bao giờ cũng vẽ một chòm Tham Lang biểu tượng cho Đát Kỷ, một bộ xương trắng tượng trưng cho Trương thị.

Một người ở dưới hỏi:

– Vị thần thứ ba là ai?

Phan Cuồng ngập ngừng rồi đáp:

– Tôi cũng không rõ là thờ ai nữa nhưng trên tranh thờ vẽ một hình tam giác chia đôi, ở dưới viết bốn chữ “Bạch Hổ Nguyên Âm”.

Thời kỳ những năm Long Phù[20] chính là lúc vừa xảy ra “Phạm gia biến[21]”, dù chuyện Trấn Quốc hội vừa được thành lập và Hàng Long giáo vừa thua một trận thảm bại nhưng những chuyện huyền giới bị lộ ra rất ít. Người ngoài còn không biết mỹ danh của Hàng Long Giáo mà chỉ biết có một bọn pháp sư đạo sĩ Tàu chuyên dùng yêu thuật làm hại Đại Việt cho nên thường gọi chung là “yêu giáo”. Vì đạo giáo chính tông có liên quan đến Yêu giáo vì khởi nguồn của yêu giáo là từ đạo giáo cho nên cũng bị ảnh hưởng không ít trong thế chân vạc “Tam giáo đồng nguyên” mà vương triều Lý chủ trương.

Lại nói, Phan Cuồng biết rõ, đang kể chuyện thì tối kỵ thú nhận mình không biết hết, hắn liền kể tới để lấp liếm:

– Bây giờ kể sang chuyện Đại Việt ta, mọi người đều biết chuyện vua ngọa triều Lê Long Đĩnh chứ?

Lúc bấy giờ, nhà Lý đã trải ba đời vua, chuyện vua Ngọa triều cũng qua cả trăm năm, nhưng những người già vẫn thường kể lại cho con cháu nghe sự kinh hoàng cách đây trăm năm cho nên người ngồi nghe chuyện ai cũng biết đến vua ngọa triều.

Phan Cuồng hỏi như thế cho có chuyện rồi tự hắn nói tiếp:

– Vào năm Mậu thân, nhằm vào năm Ứng Thiên thứ mười bốn, vua ngọa triều cử người sang sứ Tàu xin bộ kinh Đại tạng của phật giáo và Cửu kinh, trong đó bao gồm: Kinh dịch, kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh xuân thu, Hiếu kinh, Luận ngữ, Mạnh tử. Như thế nước ta xin cả thảy mười bộ kinh. Nhưng khi đem kiểm lại thì thấy có mười một bộ, bao gồm cả cuốn “Đát Kỷ Kinh”, tức là bản không có phần chú sớ của Đát kỷ và Trương Thị chỉ gồm hơn năm vạn chữ.

– Việc nhà Tống gửi vua ngọa triều bộ “Đát kỷ kinh” hẳn là có ý đồ không tốt đẹp gì. Có điều Vua ngọa triều vốn tính hiếu sát, có được kinh ấy thì lấy làm thú lắm, tất nhiên trong lòng rất hâm mộ người viết ra cuốn kinh này. Vua bèn mang những nhục hình đọc được ra thử ngay. Tất nhiên hắn chỉ muốn thỏa tính hiếu sát chứ không có mục đích tu tập. Rốt lại là những chuyện Vua ngọa triều đã làm như róc mía trên đầu nhà sư Quách Ngang hay buộc người vào thuyền cho thuồng luồng hại trên sông Chi Ninh đều là các cách thức nhục hình được ghi chép trong Đát Kỷ kinh, thuộc thiên thứ bảy, nghĩa là mức độ thấp nhất.

– Có điều, “Đát Kỷ kinh” vốn dĩ không phải là bộ sách chỉ đơn thuần ghi lại các kiểu cách tra tấn mà nó có phương thức tu tập rõ rệt. Nguyên tắc của pháp tu này chính là để oán khí của người chịu hình thấm vào thân thể kẻ tu tập. Trong thân thể người ta vốn có ba hồn là Sảng Linh, Thai Quang và U Tinh, phách có bảy phách là Thi Cẩu, Phục Thỉ, Tước Âm, Thôn Tặc, Phi Độc, Trừ Uế, Xú Phế. Bình thường thì hồn khinh mà phách trì, hồn dương mà phách thì âm, khi người ta chết thì hồn siêu phách tán, nghĩa là hồn phiêu diêu mà phách thì tiêu tan[22]. Nguyên tắc cơ bản của “Đát Kỷ Kinh” chính là duy trì trạng thái mà hồn và phách rồi xa nhau nhất nhưng không được quá giới hạn là hồn phiêu tức là người chịu hình ngất hoặc chết đi. Khi con người chịu hình đau đớn nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo thì oán khí mới phát tiết, nhờ thế mà kẻ luyện mới hấp thụ lấy được. Loại luyện này khác với các thầy phù thủy luyện trên hồn người chết ở chỗ nó nhằm vào oán khí sống chứ không dựa vào oán khí của hồn ma.

– Điểm quan trọng nhất của của “Đát Kỷ Kinh” chính là dẫn oán khí này vào đâu. Trong cơ thể người ta chỉ có hạ đan điền mới lưu trữ được loại oán khí này, nếu không dẫn đúng cách, oán khí chạy lên não thì điên, chạy lên tim thì trụy. Điều này cũng giống thuốc vị nào thì dẫn vào tạng ấy, vị đắng thì dẫn vào tâm, vị ngọt dẫn vào tỳ, vị cay dẫn vào phế, vị mặn dẫn vào thận, vị chua dẫn vào gan, người thông y thuật chỉ cần nếm thuốc là biết thuốc chữa bệnh gì.

– Trở lại chuyện vua ngọa triều vô tình tu tập theo cách thức của “Đát Kỷ Kinh”, oán khí từ người sắp chết mạnh mà độc hơn phong hàn nhiễm vào cơ thể lâu ngày, bệnh phát ra ngoài là nổi trĩ dài hơn gang tay, nhiễm vào trong là máu dần thâm đen, ngứa rát toàn thân, thuốc thang thế nào cũng không trục độc ra được.

Phan Cuồng kể đến đây, mọi người ai cũng à lên, mới biết vì sao Lê Long Đĩnh lại điên loạn như thế. Bấy giờ cũng đã gần đến giờ tý, ai nấy đều mệt nhoài, Phan Cuồng biết nên dừng chuyện ở đây. Đám đông dần dần dãn ra.

Phan Cuồng nhà vốn gần chợ, đi bộ áng chừng chưa đến hai tuần hương là về đến nhà cho nên dù muộn nhưng hắn không vội vàng gì, cứ thủng thẳng rảo bước.

Bỗng có tiếng gọi:

– Phan Cuồng!

Phan Cuồng kể chuyện ma mòn cả lưỡi, thừa biết quy củ đi đêm là ai gọi thì không được trả lời. Hắn tuy kể chuyện ma có vẻ lưu loát nhưng trong bụng nhát như chuột, thấy đêm hôm tối tăm, im ắng, chỉ có tiếng nhái kêu bọ rền mà có người gọi mình cả họ lẫn tên, dù không phải tên thật nhưng cũng sợ thiếu điều muốn tè ra quần. Trong chốc lát, hắn cứ đứng im, hai đầu gối run lẩy bẩy.

Tiếng nói sau lưng lại vang lên:

– Ngươi nói thật chứ?

Phan Cuồng nghe tiếng kia cất lên lần nữa thì vắt chân lên cổ chạy, có lẽ khi ấy hồn và phách hắn cách nhau cả dặm.

***

Ngày hai tám tháng chạp, Phan Cuồng kể chuyện về Lý Giác. Ngày ấy[23], ở lộ Diễn Châu có một phù thủy tên là Lý Giác, đồn rằng y học được phép biến cây cỏ thành người sống, từ ấy chiêu tập binh mã, mưu tạo phản. Vào lúc Phan Cuồng đang kể chuyện chính là thời điểm đang đánhh nhau to trong xứ Nghệ.

Tất nhiên việc giặc cỏ nổi lên ít khi người tứ trấn biết được, nhất là khi giặc mới manh nha hình thành, triều đình cấm tiệt những tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dân chúng.

Chuyện này Phan Cuồng nghe được từ mấy người buôn bán thổ sản địa phương từ Diễn Châu theo đường biển về kinh thành thuật lại. Tất nhiên, hắn cũng phải mất một khoản kha khá để thiết đãi nhưng người khách buôn ấy mới nắm được đại khái câu chuyện. Tất nhiên những người khách buôn cũng chỉ nghe kể cho nên câu chuyện cũng không rõ thực hư được đến đâu. Có điều Phan Cuồng chỉ cần như thế, hắn thêm mắm dặm muối, vẽ râu tô ria cũng kể mất một đêm mới xong. Hôm đó đã cận tết, mọi người đem rượu ra vừa uống vừa nghe chuyện, không khí rất là thân mật, ấm cúng. Phan Cuồng có rượu nhuận tràng, càng hăng say kể.

Vì chuyện này vừa có chút hoang đường, lại là chuyện đang diễn ra ở miền trong cho nên mọi người đều rất quan tâm theo dõi, có biết đâu rằng gã kể chuyện cũng chỉ góp nhặt lại từ những người không biết rõ ngọn ngành câu chuyện.

Hôm ấy Phan Cuồng cũng kể đến nửa đêm. Đến khi mọi người đi ngủ, Phan Cuồng nhớ lại chuyện hôm trước về muộn mà vẫn có người gọi mình, không rõ là ma hay người, trong lòng hắn có chút sợ hãi. Cuối cùng hắn quyết định ngủ lại lều hàng của một người bạn.

Hắn đang nằm thì thấy mót tiểu, bèn ra một bụi cây gần lều. Khi hắn hành sự xong, quay người định chui vào lều đi ngủ thì thấy có một bóng đen đang đứng ngay sát lưng mình. Phan Cuồng sợ quá “ối” lên một tiếng, suýt chút nữa ngã về phía sau.

Qua một lúc, hắn nhìn kỹ lại thì thấy đó chỉ là một đứa bé chừng tám chín tuổi, ăn bận gọn gàng sạch sẽ. Hắn hơi xấu hổ vì mình lộ vẻ sợ hãi cho một đứa bé nhìn thấy.

Chợt đứa bé hỏi:

– Chuyện ngươi kể là thật chứ?

Phan Cuồng nhận ra đây chính là giọng nói đêm trước đã gọi hắn. Nhớ lại hôm ấy hắn chỉ mới nghe một đứa trẻ ranh gọi đã chạy bán mạn, hắn lại càng thấy xấu hổ. Hắn cố lấy lại bình tĩnh, nói:

– Chuyện gì thật?

Đứa bé đáp:

– Chuyện “Đát Kỷ kinh” và chuyện Lý Giác.

Phan Cuồng cười thầm trong bụng, đoán là thằng bé này bị mình dọa cho ám ảnh ngày đêm, bèn nói:

– Tất nhiên là thật rồi.

Đứa bé cười rất tươi, toan quay đi. Nó chợt nhớ ra chuyện gì, lại nói:

– Ta phải rạch họng hai tên lính mới nhét tay chúng vào miệng nhau được, tim thì ngon quá nên ta ăn hết mất rồi…

Phan Cuồng không biết rằng, ngày hai mươi tháng chạp, ở Cửa Đông, có hai cái xác người bị treo lơ lửng, quấn lấy nhau, tay trái người này luồn vào hậu môn người kia, tay phải người này nhét vào cổ họng người kia. Hai người được kết chặt với nhau bằng ruột của mình. Đó là hai tên lính cai ngục.

Cậu bé này, đã đổi tên thành Triệu Trí Chi.

Muốn biết mọi việc diễn biến ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.

00.01 05.10.2015

 

[1] Trích Đại Việt sử ký toàn thư – Ngoại kỷ

[2] Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “…khi ấy ( 1026) có con hát là Đào thị, giỏi nghề hát, thường được ban thưởng. Người thời bấy giờ hâm mộ tiếng hát của Đào thị, phàm các con hát đều gọi là Đào nương…”. Cụm từ “con hát” được nhắc đến khác nhiều trong bộ sử này, từ ấy cho thấy những người làm nghề này trong dân gian, cung đình không phải thiểu số.

[3] Đây là phỏng đoán của thuật giả, vì theo tìm hiểu thì đến thời Lê mới được nhắc tới.

[4] Môn nghệ thuật này được cho là được hình thành và phát triển trong giai đoạn nhà Lý trị vì (1010-1225). Lần đầu  tiên trò múa rối được nhắc đến trong Đại Việt sử ký toàn thư là vào năm 1277 (“…lại lúc ấy đương có trò MÚA RỐI, thường có câu : “Mau đến ngày mồng 1 thay phiên”. Thượng hoàng (nhà Trần) lại đoán : “Thế là ngày mồng 1 ta chết”…” .

[5] Thực ra là thuật giả không tìm thấy trong sách vở, có điều mình mới xem qua vài trang sách, không dám kết luận là không có.

[6] Đền Đồng cổ.

[7] Vốn có câu “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ cạp lá ngoài đường”.

[8] Chưa kết luận được chợ này có từ bao giờ, một trong các thuyết nói rằng nó có từ thời Lý.

[9] Sông Thiên Phù và sông Tô Lịch

[10] Các làng ấy gồm Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xá, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha…

[11] Chợ Bưởi ngày này vẫn duy trì lệ họp theo phiên vào các ngày có số 4 và số 9 trong một tháng, tức là ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch. Có lẽ hiếm chợ cổ nào có nhiều phiên trong một tháng như thế.

[12] Có một giả thuyết về tên gọi của Chợ Bưởi đó là do bưởi từ thượng nguồn trôi về đây rất nhiều.

[13] Trò tìm vật giấu trong tay, giống trò “tập tầm vông”, không rõ vì lý do gì, trò chơi này sau đó bị cấm năm Đinh Dậu (1117).

[14] Ý muốn nói Hàng Long Giáo

[15] Phong thần diễn nghĩa

[16] Hình phạt này được ghi lại trong sử sách Trung Quốc như là một hình phạt cho tội ngoại tình.

[17] Lã Trĩ, vợ Hán Cao Tổ Lưu bang, chị này ác có thương hiệu.

[18] Xin xem quyển một, phần về Hàng Long Giáo.

[19] Nghĩa là “Đạo năm đấu thóc”. Vốn dĩ có cái tên ấy là vì khi khai giáo, tổ sư Trương Đạo Lăng định lệ hễ ai nhập đạo thì phải đóng năm đấu gạo. Đạo này là một phân nhánh của đạo giáo, còn có khi được gọi là Đạo giáo phù thủy, chủ về sử dụng kinh kệ, phương thuật, bùa chú.

[20] Thời vua Lý Nhân Tông.

[21] Xin xem quyển một.

[22] Theo Đào Duy Anh: Hồn là cái linh phụ của phần khí con người, là phần khinh thanh, khi chết thì bay lên không; phách là cái linh phụ vào phần hình của con người, là phần trọng trọc, khi người chết thì tiêu xuống đất.

[23] Năm 1103

5 Comments

Filed under Uncategorized

5 responses to “Quyển 2 Hồi thứ 9 THUẬT GIẢ GIANG HỒ

  1. Pingback: ĐẠI NAM DỊ TRUYỆN – QUYỂN 2: DỊ LOẠN TRUYỆN | Phan Cuồng

  2. beobeo

    Sao chưa up tiếp tác giả ơi, hôm nay mình ra Nhã Nam đã thấy quyển 1 trên kệ rồi.

    • Mình vẫn đang theo đuổi bạn ạ. Quyển 1 là một cuốn truyện độc lập ạ (dù cuốn 2 có nhắc lại đôi chút). Gọi là quyển 1 hay 2 là để đánh dấu thứ tự mình viết thôi.

  3. Max

    mong sớm được cầm trên tay tập 2 của Phan Cuồng. Mình đã đọc rất nhiều truyện dẫn nhập về huyền thuật của Trung Quốc, nhưng truyện về huyền thuật của Việt Nam thì chưa bao h cho đến khi đọc Đại nam dị truyện. Thực sự cuốn hút và hay nhất trong các cuốn mà mình đã đọc. Mong tác giả giữ vững niềm đam mê viết về thể loại này…

Leave a comment