Quyển 2 Hồi thứ 8 HUYỆT THÀNH

Quý Tỵ, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 5 [1053], (Tống Hoàng Hựu năm thứ 5). Mùa đông, tháng 10, Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân [cứu viện]. … Địch Thanh lại đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy sang nước Đại Lý. Người nước Đại Lý chém đầu Cao bỏ vào hòm dâng vua Tống. Từ đây họ Nùng bị diệt. … Đô giám nhà Tống là Tiêu Chú đi theo đường đạo Đặc Ma đánh úp, bắt được mẹ Trí Cao là A Nùng, đem giết[1].

15.06 12.10.2015

Lại nói chuyện Khải đang ở bên bờ nước thì thấy bóng đen ma quái từ dưới đất chui lên. Lúc này cậu hết nhìn con rắn đang quằn quại dưới đất đến nhìn bóng người trước mặt. Bóng người mặc chiếc áo trắng nhơ nhớp bùn đất. Tay trái nó còn đeo một cái vòng bạc lấp loáng dưới trăng. Cái vòng này mang hình một con rồng đang uốn lượn, tư thế cực kỳ tiêu dao phóng khoáng.

Đang lúc cơn sợ hãi vẫn còn lấn lướt, Khải chưa biết nên làm thế nào thì bỗng nghe tiếng ồn ào từ xa vọng lại. Đầu tiên đó chỉ là tiếng xì xào mỏng tang, qua khoảnh khắc, đã như tiếng xầm xì của một đám đông. Dần dần, tiếng động ấy lớn dần lên, tựa như tiếng ồn ĩ của một khu chợ tấp nập.

Rồi nó dần giống như tiếng vó ngựa lẫn lộn của trăm ngàn kỵ binh đang xun trận.

Bóng đen dường như không nghe thấy tiếng động kia, nó đưa hai ngón tay thọc sâu vào họng mình, rồi nó cúi gập mình sát đất.

Nghe “ọe” môt tiếng.

Khải vừa nghe thấy tiếng động lạ, vừa thấy bóng đen làm điều kỳ quái, nhất thời cậu bị phân tâm, không biết nên tập trung vào đâu.

Lại nghe “ọe” một tiếng nữa, lần này, tiếng đục hơn. Bóng đen đang cố gắng nôn ra thứ gì đó.

Sau vài lần nôn khan, từ miệng bóng đen bỗng xuất hiện một vật dài chừng gang tay, đen đúa, nhớp nháp lẫn với máu và một thứ nước vàng vọt. Vật này ngọ nguậy không ngừng. Bóng đen tóm chặt lấy vật ấy, kéo ra. Đó lại là một con rắn. Vẫn còn sống.

Dường như việc kéo con rắn này ra rất là đau đớn, mỗi lần như thế, Khải thấy rõ bóng người kia run lên từng hồi. Chợt Khải nhớ đến một thứ.

Nguyên là mẹ Khải vốn làm nghề bói toán, mặc dù ban đầu cô Hậu chỉ là dựa vào linh tính trời cho mà đoán biết sự tình, nhưng nếu một người xem bói chỉ dựa vào linh tính ấy mà không có hiểu biết thì cũng giống như người thợ, cứ làm theo thói quen mà không biết được nguyên nhân bên trong. Bởi vậy nên sau khi sinh con, ổn định cuộc sống, cô Hậu cũng dày công sưu tầm không ít cổ thư liên quan tới huyền thuật.

Khải vốn bị nhốt trong nhà suốt ngày, ngoài việc ra vườn chơi thì cũng có xem qua các sách mẹ mình lưu trữ. Cậu không có ý muốn học làm thầy bói, cô Hậu cũng không hướng con mình theo nghiệp, chỉ là những sách ấy bày sẵn cho một kẻ buồn chán, không ít thì nhiều Khải cũng có chút quan tâm.

Trong số sách này một phần là về chiêm tinh, bốc thuật, từ căn bản như kinh dịch đến tử vi, tử bình, kỳ môn độn giáp, phong thủy, tướng thuật… đều được thu thập khá hoàn chỉnh. Một phần khác lại đề cập đến lễ quy, nghi thức tiến hành các lễ cúng như “Thập bộ hiển thành”, “Tâm lễ căn bản”, “Đảo pháp cầu thư”… đều là những tài liệu về huyền thuật dễ tìm thấy trong dân gian bấy giờ.

Trong thư phòng của cô Hậu thì những cuốn phổ thông như trên rất nhiều, chỉ có một số ít là những tài liệu không liên quan trực tiếp đến nghề bói toán nhưng mang tính tổng hợp khác. Loại này có thể chia ra thành các sách ghi chép lại các hiểu biết về giới phù thủy.

Trong số ấy lại có cuốn được ghi lại dưới dạng ký, kể về nguồn gốc phù thủy Đại Nam như “Cừu trung bút ký” kể về gốc gác cũng như biến động của giới vu nhân trong suốt quá trình bắc thuộc. Hay “Vu tộc thập cường” kể về mười gia tộc hàng đầu trong giới vu thuật Đại Việt, từ tổ nghiệp cho đến hiện tại cũng như các thăng trầm của dòng họ. Loại này có thể liệt vào dạng tục biên của huyền sử.

Một phần khác trong số sách ấy được liệt vào loại dược thư, thực chất là các phép bùa ngải hoặc áp trị bùa ngải, có thể kể đến “Ngải kinh”, “huyền dược bảo điển”, “Hấp ma triệt tà thuật”.

Thư viện như thế kể ra trước đây cũng rất hiếm khi lộ diện bởi vì trong giai đoạn bắc thuộc, những người hành nghề này thường phải che giấu thân phận bởi đám người kém cỏi phương bắc luôn rình rập đánh cắp các bí thuật như thế.

Huyền thuật Đại Việt vừa độc đáo vừa đa dạng, là bởi nó được trui rèn qua hàng nghìn năm giấu kín. Các bí thuật được truyền đời trong các gia tộc. Trước khi hình thành “Trấn Quốc Hội”, mỗi một vu tộc lại có một hệ thống bí thuật của riêng mình. Giả như nó được công khai trong một thời gian dài thì hẳn sẽ giống như võ thuật Trung Hoa, dần dần hình thành các môn phái lớn, từ đó được hệ thống rồi thành chuẩn mực, những biến tấu, sáng tạo dần ít đi, đơn giản vì học được hết các kinh sách như thế thì đầu đã bạc, râu đã phai. Ngược lại, việc lưu truyền bí mật giúp cho duy trì các dòng pháp thuật khác nhau, mỗi khi có những vu nhân tự sinh, tức là trong họ hàng không có người làm nghề này, được sinh ra, khai nghiệp mới, người ấy và con cháu lại bồi đắp, hoàn chỉnh rồi cải thiện các bí thuật của gia tộc.

Tuy cách duy trì cũng như phát triển này mất nhiều thời gian, công sức, lại thiếu hệ thống tổng quát nhưng kết quả là sự đa dạng trong việc dụng pháp của các vu nhân. Đất Việt lại có thiên, địa, nhân thuận lợi cho việc sản sinh ra những dị nhân có kỳ năng cho nên dần dà người phương bắc trở nên khiếp hãi vu thuật phương nam.

 Người Hán khi xâm lược đất Việt đương nhiên muốn đồng hóa được dân sở tại, họ cố gắng thủ tiêu thứ chữ Khoa Đẩu cổ xưa, dần dà, số người biết được thứ chữ viết này ngày càng hiếm. Có điều, việc ấy lại thuận lợi hơn cho các vu nhân trong việc di truyền lại kiến thức, của mình. Thứ chữ Khoa Đẩu dần dà được bí mật phát triển thành một dạng ký tự ghi chép huyền thư. Điều này khiến cho các thư tịch cổ càng khó bị lộ.

Tuy nhiên, các vu nhân lại có nhu cầu trau dồi, trao đổi kiến thức với nhau, bởi vì khi làm như thế sẽ khiến những nhược điểm trong các bí truyền của dòng họ được cọ sát, từ đó các vu nhân cố gắng hạn chế các nhược điểm. Đơn cử như cô Hậu chuyên về bốc thuật, đi lại trong huyền giới đương nhiên cũng cần có hiểu biết về việc trị tà để trong trường hợp cần cấp có thể tự hộ vệ cứu mình. Nói đến các khiếm khuyết về vu thuật của các gia tộc, còn có thể nhắc đến chuyện họ Đào và họ Phạm, hai trong số “vu tộc thập cường[2]. Họ Đào dù pháp năng rất mạnh mẽ về thủy tính nhưng khi gặp phép thổ khiển của họ Phạm lại gặp vô vàn khó khăn.

Cho đến thời kỳ câu chuyện này diễn ra chính là lúc đã xảy ra “Phạm Gia biến”, vu nhân tụ lại thành một hội có tên là “Trấn Quốc”. Từ đây bắt đầu một thời kỳ cởi mở hơn, các pháp năng nền tảng cũng dần được ghi chép, truyền bá công khai hơn trong giới. Tuy thế, thời gian còn chưa đủ dài để “Trấn quốc hội” hệ thống lại trọn vẹn các pháp thuật cơ bản. Lúc này pho “Việt quốc pháp thuật” gồm ba cuốn, “nhập hội pháp thư”, “Lạc vu thủ lĩnh pháp” và “đại lạc vu truyền nhân chi bản” vẫn chưa được soạn ra. Có điều trong thời kỳ chuyền biến này, số lượng thư tịch về huyền thuật của mỗi nhà được công khai không ít, tạo nên một thời kỳ văn sách đa dạng như thế.

Lan man quá dài dòng về vấn đề thư tịch huyền thuật lưu truyền trong giai đoạn nhà Lý bước đầu thoái trào, giờ thuật giả xin quay lại chuyện Khải bên bờ nước cùng bóng người kỳ lạ. Lúc này, cậu nhớ đến một phương thức trừ tà trong cuốn “Hấp ma triệt tà thuật” có tên là “thất xà trục ngải”.

Phương thuật này về cơ bản là dùng rắn độc để trị ngải ếm. Nó dựa trên nguyên lý lấy độc trị độc, tận dụng sát khí làm gia tang sức đề kháng của bản thân với tà thuật. Thuật trừ tà này ban đầu có bảy thức biến tấu khác nhau, đều dựa trên cách thức dùng loại rắn như thế nào mà phân cao thấp. Tương truyền nó được một thày tào người Tày sử dụng đầu tiên ở vùng Quảng Nguyên. Về sau, do ở các tầng luyện dụng ban đầu có tác dụng trong các trường hợp phổ thông nên được rất nhiều vu nhân sử dụng.

Ở tầng thứ nhất, người dụng pháp nuốt sống ba cái đầu rắn còn tươi, sau đó chờ một vài ngày để cơ thể đào thải qua đường tiêu hóa. Cách này đơn giản nhất nhưng do dựa chủ yếu vào sát khí của đầu rắn chưa kịp tiêu tan mà trấn tà cho nên chỉ dùng để chữa các loại ngải yêu hay bùa ám hại thông thường.

Tầng thứ hai có mức độ sát tà mạnh hơn, là khi người luyện nuốt nguyên một con rắn đã chết vào trong người. Việc nuốt nguyên con rắn như thế này không hề dễ dàng vì cơ thể người ta tự nhiên phát sinh cảm giác ghê tởm mà nôn ra.

Tầng thứ ba khác tầng thứ hai ở chỗ rắn được nuốt vào là rắn sống, không phải là rắn chết. Lúc này người dụng pháp gặp nguy hiểm hơn bội phần so với tầng luyện thứ hai, không phải do rắn cắn vì rắn thường được bẻ răng trước khi bị nuốt sống, có điều ngay cả khi răng được bẻ đi, rắn chui trong bụng người đương nhiên không chịu nằm yên, rất nhiều trường hợp không chết vì tà mà chết vì thủng dạ dày.

Ở tầng thứ tư, một vài loại rắn được kết hợp với nhau, thường là ba, năm hoặc cao nhất là bảy loại. Ở các tầng luyện thứ ba và thứ tư, thường thì người dụng pháp sử dụng một thứ biệt dược để rắn rơi vào trạng thái đờ đẫn, hoạt động kém. Đơn giản vì người ta muốn tránh việc rắn phá thủng bụng người dụng pháp. Có điều, việc dùng dược liệu thế này cũng hãm bớt sát khí của rắn.

Khi lên đến tầng luyện thứ năm, rắn hoàn toàn còn sống, lúc này chúng bắt đầu phát huy sát khí tối đa của mình. Ở tầng luyện này, người dụng pháp phải có khả năng khống chế hoạt động của rắn bằng tâm thức, không thể dùng dược liệu khống chế. Từ tầng này trở về sau, rắn không bị tiêu hóa mà người dụng thuật điều khiển để sau khi trừ tà xong rắn sẽ bị nôn ra ngoài.

Tầng luyện thứ sáu được ghi chú rất sơ sài, là tầng luyện mà dược liệu kích phát sát khí từ rắn được dùng để bổ trợ sức trừ tà. Sách viết “Thất xà trục ngải” có bảy tầng luyện nhưng tầng thứ bảy không được đề cập. Dân gian cũng chỉ có lời đồn đại rằng tầng thứ bảy được tách riêng thành một thuật gọi là “Thất xà nghịch pháp”.

Ở trên có nói đến tính thông dụng của cách thức trừ tà này, đó là muốn nói đến các tầng thứ nhất và thứ hai để trị các bệnh tà thông thường. Bắt đầu từ tầng thứ ba trở đi, chỉ khi hội đủ hai yếu tố là người luyện có khả năng thực hiện và có loại rắn đủ độc mới có thể luyện được, nếu không sẽ rơi vào tình trạng chữa lợn què thành lợn què hơn.

Bây giờ Khải nhìn thấy người kia nôn ra ba con rắn còn sống ngoe ngẩy, trong đầu cậu chợt nhớ đến những điều đã đọc được trong “Hấp ma triệt tà thuật”. Và nếu quả đúng là phép “Thất xà trục ngải” thì không biết cụ tỉ phép trị tà ở tầng nào và bóng người kia trúng phải bệnh tà gì, chỉ biết rằng chắc chắn người đó luyện từ tầng thứ ba trở lên.

Trong lúc Khải miên man với những ý nghĩ vừa kinh sợ vừa hoài nghi thì tiếng động từ xa đang tiến lại rất nhanh. Bây giờ nó đã trở thành thứ âm thanh đặc trưng của thác nước hung vĩ, thứ âm thanh xé tai buốt óc.

Dường như trời bỗng đổ mưa. Khải thấy mắt mình bỗng nhòa đi vì mưa. Thân thể cậu đẫm nước rất nhanh. Khải cố mở mắt thật lớn để nhìn cho rõ.

Không phải mưa.

Trước mặt Khải là một bức tường bằng nước cao hơn trục trượng đang cuồn cuộn đổ tới.

Đó là một cơn lũ.

***

Khải tỉnh dậy khi ánh nắng chiếu chói chang vào mặt cậu. Mặt trời đang đứng bóng. Một tán lá xanh tươi lẫn màu vàng ươm khi đẫm nắng đung đưa khiến thứ ánh sáng kia lúc rọi lúc khuất. Trời xanh và mây trắng.

Khải thấy tiếng nước chảy rì rào bên tai, xen vào đó là tiếng chim kêu thảng thốt. Cậu nhìn sang, giật nhìn thấy mình một cái đầu. Cái đầu này đầy lông lá, lỗ mũi phẳng bẹt hướng về phía trước, từ hai lỗ mũi vẫn còn rịn ra một dải máu đã hơi khô. Hai con mặt nhỏ trắng đục vô hồn. Đôi tai vểnh lên phía trên, to bằng bàn tay. Một cái đầu lợn. Đúng hơn là xác một con lợn rừng. Con vật này ước chừng trăm cân, đang phập phềnh theo nhịp nước.

Khải nửa nổi nửa chìm, cậu đang ở trên một con sông, xung quanh chỗ nào cũng có các cây gỗ lớn bé đủ loại, nhiều cành còn tươi nguyên đâm tua tủa. Chính nhờ đám gỗ này nâng đỡ nên Khải không chìm hẳn. Trong khoảng mấy trượng vuông quanh cậu, mặt nước yên ắng khác hẳn dòng nước bên ngoài sông. Khải thấy từ phía bờ sông có một khối đá lớn ăn sâu vào lòng nước, tiếp đến có bốn tảng đá lớn dựng sừng sững cao quá đầu người lấn sâu vào long sông chừng vài ba trượng.

Năm tảng đá này nằm gần nhau, xếp thành đường thẳng, tựa như hình bàn tay hứng lấy dòng nước chảy. Khe hở giữa các tảng đá ấy cách nhau không quá hai gang tay, vừa đủ cho nước chảy qua nhưng lại giữ các vật trôi từ thượng lưu đổ về. Sức nước tuy mạnh nhưng chịu thua sức đá, lại thêm lực nước đẩy khiến cho củi gỗ cây trôi từ thượng nguồn lắng đọng, dồn ép lại nơi đây, tạo thành một khu vực lởm chởm, hỗn độn giữa củi gỗ và xác động vật.

Hai bên bờ sông, mặt đất vẫn còn ướt đẫm lầy lội. Những bụi cây nhỏ rạp mình gục xuống theo hướng sông chảy, nhiều chỗ cây lớn đổ bật rễ.

Khải cựa mình muốn bò vào bờ. Nào ngờ vừa mới xoay người, cậu đã hụt mình chìm nghỉm dưới làn nước lạnh. Trong thoáng chốc, Khải thấy chân chạm xuống đến lớp bùn nhão phía dưới. Cảm giác mềm nhũn dưới chân làm Khải cảm thấy bất an, cậu hoảng hồn bám lấy một khúc cây gần ấy. May mắn thay, chỗ này lòng suối rất cạn, chưa vượt quá vai cậu. Loay hoay một lúc, cậu mới lết được vào bờ.

Nằm bệt trên mặt bùn. Mặt đất ẩm thấp bị ánh nắng chiếu gắt khiến thứ hơi đất ngai ngái bốc lên làm cho Khải cảm thấy ngột ngạt.

Khải hoang mang tột độ. Cậu vừa không hiểu chuyện gì đã xảy ra, không biết mình đang ở đâu, về nhà thế nào. Cậu thậm chí còn không biết mình xa nhà đã bao nhiêu lâu, lại càng không biết nên làm gì tiếp theo. Nơi đây hoàn toàn xa lạ với cậu.

Khải đang cố gượng ngẩng đầu dậy, toan bò về phía trước thì đã thấy ngay trước mặt mình, một người đang đứng sừng sững. Cậu đang nằm sấp, không thể nhìn rõ mặt người kia, chỉ người ấy mặc quần bằng thứ vải thanh cát thô dày, chân đi giày thô.

Cậu toan mở miệng kêu cứu thì thấy vạt áo phía sau bị túm lấy, nhấc bổng lên.

Trước mặt Khải không chỉ có một người. Một toán năm sáu gã lực đinh cao lớn đang đứng tụm lại xung quanh cậu. Gã nào cũng cao lớn, vạm vỡ, nước da đẫm màu nắng gió, mới trông qua đã biết đám ấy dũng mãnh lắm. Bọn người này hết nhìn Khải rồi nhìn nhau, cười lớn khoái trá.

Khải còn chưa hết mừng rỡ vì tìm được người cứu thì đã bị một gã răng hô trói cánh khuỷu. Gã này to béo dị thường, bụng tròn căng như quả bóng, tay chân lại núc ních những mỡ.

Gã răng hô quay lại nói với đám người kia mấy câu, đại khái là mọi người thử tìm kiếm xung quanh xem, còn gã sẽ đưa Khải về chỗ nghỉ.

Đoạn, gã một tay bế xốc Khải, vắt cậu qua vai, đi về mé tây bắc. Khải vừa mệt vừa đói, lại thấy đám người kia lộ rõ vẻ hung hãn, không có chút nào là lương thiện, trong lòng cậu tuy cực kỳ hoang mang lo sợ nhưng sức tàn lực yếu, không thể nhúc nhích hay la hét, đành phải nằm yên.

Đi chừng chưa đến một dặm đã thấy mấy con ngựa buộc tụm lại quanh một cây to. Nguyên là khi đi vào gần suối, đất còn đẫm nước nên xuất hiện một lớp bùn nhão lún rất ngọt, ngựa khó lòng đi được, bọn người kia phải buộc ngựa ra xa mà đi vào suối.

Gã rang hô đặt Khải nằm vắt qua lưng ngựa. Ngực cậu va phải phần yên ngựa nhô lên, đau thấu tâm can, chết lặng đi một lúc mới hô hấp lại được. Cậu có cảm giác thân thể mình có gì đó rất khác lạ. Một cái gì đó không thể tìm nói rõ, nhưng rất khác lạ trên thân thể cậu.

Gã răng hô dường như không quan tâm đến việc Khải bị đau, cũng không quay lại bờ suối, gã ngồi xổm, vớ lấy cái điếu cày, tra thuốc, châm lửa rồi rít một hơi dài.

Làn khói trắng đục phả vào mặt làm Khải cay xè đôi mắt, họng như bỏng rát, bất giác cậu ho một tràng khó nhọc. Gã răng hô thấy thế thì thích thú lắm, cười ha hả khoái chí. Gã dồn chút khói trong người lại, thổi vào mặt Khải làm cậu càng ho dữ.

Gã răng hô đột nhiên chăm chú nhìn Khải. Gã nhổ một búng nước miếng ra tay, đoạn đưa lên xoa mặt Khải một lượt. Khải cảm thấy rõ bàn tay thô ráp cùng thứ nước dãi nhớp nháp, tanh hôi mùi thuốc lào chà xát trên khuôn mặt mình. Trong lòng cậu dâng lên một thứ cảm giác tởm lợm muốn ói mửa nhưng toàn thân lại vô lực.

Gã răng hô cúi sát mặt nhìn cậu rồi bất chợt cười rộ một tràng. Gã đưa lưỡi liếm mặt Khải một lượt, cử chỉ cực kỳ dung tục. Gã lại bế xốc Khải lên, đặt xuống đất rồi bắt đầu tự cởi quần áo mình.

Khải vừa sợ, vừa ngạc nhiên trố mắt nhìn gã răng hô lõa thể trước mặt. Cậu thấy người trước mặt mình cởi trần trùng trục, lao tới đè lên người mình. Thân hình to béo ấy vừa sấn tới, cậu đã thấy ngạt thở, xương sườn như muốn gãy. Cậu hoảng hồn muốn hét lên nhưng không thể cất thành tiếng, chỉ có mấy âm thanh đục khàn theo khí từ phổi ép ra nghe hực hực mấy tiếng.

Gã răng hô người ngợm hôi hám bẩn thỉu đến nỗi Khải phải dùng toàn lực đẩy gã ra. Có điều hắn sức như bò mộng, cú đẩy của Khải chẳng ăn nhằm gì.

Gã răng vừa nói vừa thở hổn hển:

– Ngoan nào, ngoan nào.

Đoạn gã đưa tay xé áo quần Khải. Cậu không rõ hắn muốn làm gì, chỉ thấy trong giây phút ấy sức nặng cũng như mùi hôi trên cơ thể gã giảm đi rất nhiều. Nhờ thế mà cậu thấy dễ thở hơn đôi chút.

*** 18+ warning ***

Lúc này gã răng hô giơ tay, siết mạnh bên ngực trái Khải. Cậu đau đớn la lên lanh lảnh “úi cha”. Ngay trong giây phút ấy, Khải cảm giác lạ lẫm với cơ thể của mình lại trở lại. Có gì đó rất khác.

Gã kia thấy Khải kêu như thế thì cười hô hố, đoạn gã lại đè chặt lên người Khải. Khải vừa thoát được áp lực từ tên răng hô chưa lâu, bây giờ lại phải tiếp tục chịu đựng sức nặng ấy. Cậu đang sợ hãi và ngạt thở thì đột nhiên thấy bụng dưới như bị xé toang, đồng thời một vật cứng đâm tới. Đó chính là “trường mâu” của gã răng hô.

Lại một lần nữa, Khải cảm thấy cảm giác cơ thể mình dường như không phải của mình…

*** End of warning ***

Khải chưa kịp có phản ứng gì thì gã răng hô đột nhiên thở vừa ngắn vừa mạnh. Trong phút chốc, người gã cứng đờ. Tay phải gã vốn đang đang tóm lấy vai Khải, chợt siết mạnh đến nỗi Khải phải rên lên một tiếng khản đục. Cả cơ thể gã răng hô chợt mềm nhũn, đổ ập lên người cậu. Khải thấy lúc này cơ mặt gã giật liên hồi, mồm miệng méo xệch.

Khải thấy trong bụng mình có một luồng khí nóng đổ vào cuồn cuộn, lại thấy mặt mũi gã răng hô đã chuyển sang xám đen, tưởng như bị ai siết cổ. Cậu tuy không rõ chuyện gì, chỉ biết cố hết sức đẩy gã ra.

Đột nhiên có tiếng thét lớn. Từ mé đông, đám người đi cùng tên răng hô đang vội vàng lao tới. Một tên quát lớn:

– Nằm im!

Khải vừa phải chịu sức nặng của tên răng hô, vừa rã rời thân thể, dù có cố đẩy ra cũng không đủ lực, đành phải nằm yên chờ bọn kia tới gần.

Trong đám người, một tên đen trũi nhanh nhẹn chạy tới xem xét. Gã nói:

– Thượng mã phong[3]!

Đoạn gã dùng một tay giữ chặt, cố định lưng tên răng hô, một tay nhanh nhẹn rút con dao nhọn mang bên mình ra. Gã dùng đầu dao lần tìm rồi chích vào xương cụt tên răng hô. Tiếp đến hắn dùng ngón tay cái ấn mạnh vào nhân trung tên răng hô.

Qua một hồi, tên đen trũi kêu bọn người kia gỡ tên răng hô ra khỏi người khải, tên răng hô lúc này đã cứng đơ người. Tên đen trũi thấy người tên răng hô đang lạnh dần đi, hắn hốt hoảng đặt tay lên ngực tên răng hô, nhịp mạnh, kích thích cho tim đập trở lại. Sau hơn mấy chục lần ấn vào ngực nạn nhân, tên đen trũi thấy biểu hiện không có gì tiến triển, liền đưa mắt nhìn đồng bọn, tỏ ý bất lực.

Trong số mấy tên đi theo, có một tên vội nói:

– Đưa đến “Huyệt thành”, may ra…

Cả bọn vừa nghe đến từ “huyệt thành” thì đã rúm ró nhìn nhau sợ sệt, nhất thời chưa ai dám quyết đi hay ở. Tên đen trũi dường như là thủ lĩnh trong đám, hắn ngẫm nghĩ một hồi, chỉ vào Khải rồi nói:

– Mang theo nó làm lễ vật, chắc không sao! Vạn nhất…, vạn nhất…

Nguyên là những nơi rừng núi hoang dã như thế này, kỷ cương triều đình khó lòng vương tới, vì thế ẩn trong những nơi thâm sơn cùng cốc là rất nhiều toán thổ phỉ, chuyên nghề cướp phá để mưu sinh. Trong số các phường thổ phỉ ấy có một toán tên là Ma Noèy[4], đóng trại tại núi Châu Bình. Dân vẫn thường nghe tiếng khóc của phụ nữ bị bắt lên đó làm vợ thổ phỉ nên thường không gọi là núi Châu Bình mà gọi là núi Hảy[5]. Phường phỉ có hai ba trăm tên. Ma Noèy là đám cướp khét tiếng vùng Bác Nhự, Bồ Đinh[6].

Nói về nguồn gốc của Ma Noèy phải kể về những năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ năm[7], khi Nùng Trí Cao bị Địch Thanh nhà Tống đánh tại Quy Nhân[8] phải chạy sang Đại Lý. Trong số tướng sĩ có người tên là Hoàng Vinh dạt về vùng núi Hảy này. Hoàng Vinh thấy ngọn núi này hiểm trở dễ thủ khó công nên cùng mấy chục thủ hạ lập trại nơi đây, chờ ngày về với chủ.

Về sau Nùng Trí Cao bị người Đại Lý chặt đầu dâng vua Tống, Hoàng Vinh hay tin chán nản vô cùng, quay sang làm thổ phỉ. Khi ấy Hoàng Vinh bên mình chỉ có mấy chục binh mã, tuy không thể gọi là một đạo quân nhưng dư sức họp thành đảng cướp. Dần dà, đám cướp ấy tụ thành một bản trên núi Hảy chuyên lấy cướp bóc làm nghề mưu sinh, dân quanh vùng sợ hãi lắm thường gọi là bản Khả[9].

Bản Khả ở trên núi Châu Bình địa thế đã hiểm trở mà Hoàng Vinh vốn lại là tướng biết dụng binh. Gã học theo lối đánh của Nùng Trí Cao, cứ ba người họp thành một nhóm, một kẻ cầm khiên cứng, hai kẻ phóng lao dài, kẻ cầm khiên che chắn cho kẻ phóng lao, phối hợp rất thuần thục, ăn ý. Khi có địch tấn công thì quân của Hoàng Vinh từ phía trên núi mà bắn nỏ, phóng lao xuống. Mỗi nhóm ba người như thế cơ động di chuyển liên tục mà đường lên núi lại độc đạo cho nên lên được đỉnh núi đã khó hơn lên trời, còn nói gì đến chuyện chiếm lấy Châu Bình? Vậy cho nên trong vòng mấy trăm dặm quanh khu vực này đều thuộc ảnh hưởng của bọn Ma Noèy.

Thủ lĩnh của Ma Noèy hiện giờ chính tên là Hoàng Lầm, cháu gọi Hoàng Vinh là ông nội. Tên răng hô tên gọi Hoàng Sán, là em ruột Hoàng Lầm, gã tuy to béo ục ịch, võ nghệ không đến đâu, nhưng vì là em của trại chủ cho nên được phong chức phó trại. Tên này ham mê sắc dục vô độ, trong nhà có đến tám chín vợ rồi nhưng mỗi lần đi cướp bóc, hễ gã thấy vừa mắt ai là kéo ra một góc làm trò dâm ô. Hôm nay bọn này đi ngang qua đây thì thấy có người và vật bị mắc vào lưới đá, Hoàng Sán muốn nhân tiện mang thịt thú rừng và bắt luôn Khải về.

Lại nói trong bọn kia, dù ai cũng sợ “Huyệt thành” nhưng còn sợ Hoàng Sán chết hơn bởi chúng không biết phải ăn nói thế nào với Hoàng Lầm. Hoàng Lầm vốn sinh trưởng nơi đầu gươm ngọn giáo, tính tình y rất hung bạo, chỉ sợ nghe tin em mình chết thì sẽ giết luôn cả đám theo hầu Hoàng Sán.

Rốt lại là bây giờ bọn phỉ có hai lựa chọn. Một là đưa Hoàng Sán đến “Huyệt thành” xin chữa trị, hai là bỏ trốn. Cả bọn biết việc bỏ trốn khó thành vì bọn Ma Noèy vốn dĩ nắm cả một khu vực rộng lớn, ngay cả khi trốn sang được vùng khác thì những toán phỉ khác cũng khó lòng dung nạp bọn chúng, bởi vì thanh thế bọn Ma Noèy rất lớn. Cuối cùng bọn kia dù sợ nhưng vẫn phải chọn lên “huyệt thành”.

Huyệt thành vốn dĩ không phải là một thành trì, nó chỉ là một ngọn núi, nơi ấy nghe đồn có một lão phù thủy cao tay ấn ẩn mình. Khu vực Bác Nhự, Bồ Đinh này đầy rẫy những phường đạo tặc, thổ phỉ như bọn Ma Noèy. Đám ấy mặc dù cướp phá khắp nơi nhưng không bao giờ dám lai vãng quanh Huyệt thành. Thứ nhất là vì ngọn núi ấy nổi lên giữa lòng sông, đám phỉ không quen thủy tính nên rất khó lòng thâm nhập. Thứ hai là vì có rất nhiều tin đồn ma quái xung quanh ngọn núi ấy. Rất nhiều người, cả dân thường lẫn đạo tặc đều thuật lại việc những kẻ phạm vào ngọn núi, thậm chí chỉ buông lời bất kính đều bị nhẹ thì méo mồm, nặng thì tử vong. Thứ ba là bọn phỉ vốn sống trong ở nơi rừng thiêng nước độc, rất dễ mắc phải lam sơn chướng khí, tà ám ma nhập. Những khi bị như thế, chúng đều phải đến nhờ vị phù thủy kia cứu mạng.

Huyệt thành có quy củ rất cụ thể. Hễ một mạng người phải đổi lấy một mạng người. Vì thế nến mỗi lần bọn phỉ nhờ Huyệt thành chữa trị cho thì đều phải mang theo người để “dâng lễ”. Vậy nên người trong vùng khi nghe tin có hai đám phỉ thanh toán nhau thì còn sợ hơn cả chính bản mình bị cướp. Bởi vì sau những trận đẫm máu ấy, nếu hai bên không có ai bị bắt làm tù binh thì chắc chắn bọn phỉ sẽ quay ra bắt người ở các bản để làm vật đáp lễ. Những lần như thế thường chúng sẽ bắt người với số lượng tương ứng với số người bị thương.

Người ở Huyệt thành cực kỳ khó tính, chỉ cần sơ sẩy thất lễ cũng khiến cho kẻ đi cầu thiệt mạng hoặc khổ sở suốt đời. Tương truyền có một đám phỉ đến Huyệt thành nhờ cứu người, chúng mang theo vàng bạc gấm vóc cùng với đồ “lễ” rất đầy đủ, cầu khẩn rất thành kính. Thế mà khi ra về, chỉ một tên sơ suất cúi mình nhặt hạt sạn vướng ở chân trong địa phận Huyệt thành, vô tình tạo thành thế “chổng mông vào thần thánh”. Tuy chỉ có thế nhưng cả bọn theo cùng đều bị vạ lây, tất thảy đều sái quai hàm. Riêng tên bất kính mọc trĩ kinh niên, đến khi chết vẫn mang búi trĩ trong mình.

Thiên hạ đồn đoán rất nhiều về huyệt thành, đa phần là dấm dúi trong góc bếp, xó chợ, rằng những người bị đêm đến đối mạng đều chết tức tưởi trong núi ấy. Cho nên từ huyệt là để ám chỉ nơi ấy là mồ chôn của những người xấu số bị bắt làm vật đáp lễ. Còn từ thành là muốn ám chỉ ngọn núi giữa song ấy tựa như một thành trì nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Bây giờ tình thế cấp bách, bọn phỉ kia đành phải dùng Khải đổi lấy mạng Hoàng Sán, về lý mà nói thì cuộc giao dịch là tương xứng, có thể thành tựu. Có điều đám phỉ ngại nhất là bị bắt bẻ những tiểu tiết không thể kiểm soát hết kia. Dù vậy, do việc đã gấp gáp, không ai dám chần chừ, cả bọn nhất tề lên ngựa, phóng nhanh về phía tây bắc.

11.22 22.11.2015

***

Con đường độc đạo dẫn đến Huyệt thành mỗi lúc một nhỏ lại. Ban đầu ba ngựa có thể cùng sóng bước, cuối cùng chỉ vừa một thân ngựa. Rừng mỗi lúc một dày đặc. Rừng càng dày, sương mù càng đậm. Dần đần đám phỉ thấy như mình bị bao bọc bởi bởi mưa sương, kẻ trước người sau không còn trông thấy nhau, chỉ dựa vào bước chân ngựa trên nền bùn mà bám gót. Cả đám phỉ ướt đẫm toàn thân. Trên đầu, trên mặt, nước theo nhau kéo thành dòng xuống đến cằm rồi chảy xuống ngực buốt giá. Cả bọn dần dà thấy lạnh cóng tay chân nhưng vẫn không dám chần chừ, vẫn phải thúc ngựa lao nhanh về phía trước.

Áng chừng đám người phóng ngựa trong sương chừng hơn chục dặm thì bỗng thấy phía đầu đoàn, có tiếng ngựa hý vang. Khi ấy tên đen trũi đang dẫn đầu, ngựa của gã bỗng nhảy chồm dựng đứng. Tên này mau mắn vòng tay bấu chặt lấy cổ ngựa mới thoát khỏi ngã về sau.

Thì ra, do sương quá dày, tên đen trũi không kịp nhìn thấy phía trước có một chòi lá được dựng sẵn, trong lúc gấp gáp hắn đành kéo mạnh dây cương. Con ngựa cũng vừa kịp nhận ra chướng ngại, vội lồng lên.

Những con ngựa đi sau đang đà lao tới thì bị chặn lại, trong phút chốc cả đám người ngựa dồn túm tụm lại một khoảng. Tên cưỡi ngựa mang theo Hoàng Sán không kịp chủ động, ngã xuống dất nghe phịch một tiếng. Hắn bỗng rú lên một tràng thảm thiết.

Thì ra trong lúc rơi xuống, Hoàng Sán ngã trúng đầu gối tên này, sức nặng cộng với lực rơi khiến chân hắn bị bẻ ngược về phía trước.

Cả đám vội vàng ổn định, xuống ngựa định xem xét tình hình. Chúng lo cho tên gẫy chân thì ít mà lo bị trị tội bất kính vì làm ồn thì nhiều. Chúng dáo dác nhìn quanh, nhận ra đường đi đã đoạn. Cái chòi lá này dựng ngay gần một bờ sông, nếu không nhìn thấy chòi lá, có lẽ cả bọn đã theo nhau lao xuống sông ấy rồi.

Bỗng từ xa có tiếng mái chèo khua nhẹ. Một tiếng người cất lên:

– Là ai, sao dám đến làm ồn?

Đám phỉ biết đây là người của Huyệt Thành, vội vã cung kính đáp:

– Chúng tôi đến xin trị bệnh. Kính mong được cứu giúp. Vừa rồi gặp chút tai nạn ngoài mong muốn, xin thứ cho…

Không có tiếng trả lời. Chỉ loáng thoáng thấy một bóng đen trong sương mù tiến lại. Tiếng nước đã dứt, hẳn là người kia đã đáp thuyền, lên bờ.

Bóng đen dần hiện rõ. Đó là một người đàn ông gầy nhẳng, gương mặt xám bủng xanh xao đến nỗi tưởng như có một lớp rêu mỏng mọc trên mặt y. Khuôn mặt lại bị rỗ đến biến dạng khiến cho nó giống như một khúc gỗ mục ruỗng. Gã hỏi lạnh nhạt:

– Người bị làm sao?

Tên đen trũi mau mắn đáp:

– Thưa, bị thượng mã phong, chúng tôi cố gắng cứu nhưng bây giờ tuy tim vẫn sơ đập nhưng người lạnh ngắt, không rõ là vì sao.

Cả đám người đều rẽ lối cho gã mặt gỗ kia đến gần. Lúc này tên bị gãy chân đã thôi kêu hét nhưng vẫn không kìm được, phải rên lên từng đợt. Hoàng Sán vẫn còn đang đè lên chân hắn. Gã mặt gỗ tiến lại xem xét Hoàng Sán.

Trên mặt đất, khuôn mặt Hoàng Sán vừa nhăn nhúm vừa xám xịt. Không những thế, cả cơ thể gã đang ở trong thế nằm sấp mà khuôn mặt lại ngửa lên trời. Gương mặt ấy nhăn nheo vào biến dạng theo vết tay gã bị gãy chân đang đặt vào. Đôi mắt không có nhãn cầu, chỉ còn là hai lỗ thủng khép hờ, bên trong đục đỏ màu máu thẫm. Cũng không thấy bộ răng hô của gã đâu, chỉ thấy một cái lỗ méo mó lởm chởm râu. Nhìn kỹ lại mới thấy toàn bộ da đầu đã bị kéo xệch khỏi sọ, bộ xương vẫn đang nằm úp mà khuôn mặt bị trượt nửa vòng quanh đầu, thành ra khi mới nhìn có cảm giác cổ gã bị gãy rời, khuôn mặt ngửa ra sau. Đầu Hoàng Sán bây giờ giống như người ta đang mặc một cái da mặt xộc xệch không đúng vị trí. Toàn bộ tấm thân phì nhiêu của hắn bây giờ mềm nhũn, mới nhìn có cảm giác như xác chết lâu ngày bị trương lên. Bây giờ Hoàng Sán về cơ bản chỉ là một túi da bọc lấy một thứ nước bầy nhầy nhúng nhính bên trong.

Rõ ràng đây không phải là chết do thượng mã phong!

Cả đám nhìn thấy cơ thể Hoàng Sán chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã chuyển biến kỳ dị thế này thì không khỏi ngạc nhiên, ghê tởm. Ngay cả tên cưỡi ngựa mang theo Hoàng Sán cũng không biết thân thể gã đã thay đổi thành thế này tự bao giờ.

Bọn phỉ ngấm ngầm vừa sợ hãi vừa tiếc nuối. Nếu chúng biết thế này thì việc gì phải mất công đưa Hoàng Sán đến nơi đầm rồng hang cọp này cho thiệt thân. Tên đen trũi dù là cũng là kẻ gan dạ trong đám phỉ cũng không kìm được tiếng lắp bắp khi nói với tên mặt gỗ:

–  Chúng tôi… chúng tôi… có lễ vật, chúng tôi có… 

Nói đoạn, hắn kéo Khải, đẩy về phía tên mặt gỗ.

Bỗng khi ấy có tiếng nói từ mé đông nam.

– Xin được diện kiến Thủy tộc họ Đào.

Cả đám nghe giọng nói kia, tất thảy đều giật mình hướng về nơi phát ra. Trong lóp sương sẫm dày đặc, một bóng người dần dần rẽ sương tiến lại gần. Ai nấy đều thấy một bóng người nữ nhỏ nhắn, mặc một tấm áo trắng lốm đốm bùn đất. Trên tay trái nàng còn đeo một chiếc vòng bạc hình rồng cuộn, phong thái cực kỳ tiêu dao. Nàng lại nói:

– Tôi từ chỗ Thân Lợi tới đây, cầu mong được trị tà. Đám giặc cướp này xin được dùng để ra mắt lão bà.

Nói đoạn, nàng đưa tay làm dấu, chỉ về đám thổ phỉ. Mấy tên thổ phỉ ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu nàng đang nói gì.

Muốn biết mọi chuyện diễn biến ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ!

12.20 22.11.2015

Edit: 14.42 23.11.2015

 

 

 

 

[1] Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ nhà Lý
[2] Muốn nhắc đến chuyện Đào Lạp và Phạm Tôn được kể trong quyển 1.
[3] Triệu chứng đột quỵ khi đang quan hệ do trụy tim. Đông y gọi là chứng tẩu dương, xuất hiện khi đang giao hợp mà gặp thì gọi là Thượng mã phong, khi đã giao hợp xong thì gọi là hạ mã phong. Chính vì lý do này mà các bà mẹ dặn con mình mang theo kim bên mình trong đêm động phòng.
[4] Tiếng Tày Nùng nghĩa là “chó sói”.
[5] Tiếng Tày Nùng nghĩa là “khóc”
[6] Khu vực Bắc Cạn
[7] Tức năm 1053
[8]  thuộc Ung Châu, nay là Nam Ninh, Quảng Tây
[9] Tiếng Tày Nùng nghĩa là “giết”

1 Comment

Filed under Uncategorized

One response to “Quyển 2 Hồi thứ 8 HUYỆT THÀNH

  1. Pingback: ĐẠI NAM DỊ TRUYỆN – QUYỂN 2: DỊ LOẠN TRUYỆN | Phan Cuồng

Leave a comment